Nông nghiệp

Khó khăn trong đảm bảo an toàn giao thông đường thủy

Mặc dù vận tải đường thủy nội địa tại Lào Cai chưa phát triển mạnh như đường bộ, đường sắt nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm tới việc quản lý, khai thác và đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, tuy nhiên công tác này vẫn còn nhiều khó khăn.

Đường thủy nội địa tại Lào Cai chủ yếu trên 3 sông chính là sông Hồng, sông Chảy và  sông Nậm Thi, cùng với đó là tại các hồ thủy điện, trong đó có hồ thủy điện Bắc Hà. Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nhưng với những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và việc chấp hành pháp luật của một số người tham gia hoạt động trên sông, suối, hồ chưa tốt nên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất trật tự, an toàn giao thông đường thủy.

Từ khi có hồ thủy điện Bắc Hà, gia đình anh Cư Seo Lềnh ở xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà) đã đầu tư thuyền sắt để chở khách từ các xã Nàn Sín (Si Ma Cai), Cao Sơn, Tả Thàng (Mường Khương) xuống chợ Cốc Ly (Bắc Hà). Anh Lềnh cho biết: Khi có thuyền, gia đình tôi được chính quyền phát cho 12 phao cứu sinh nhưng do sử dụng lâu ngày đã hỏng hết, điều kiện kinh tế khó khăn nên tôi không mua thêm.

Khi được hỏi về sự nguy hiểm nếu xảy ra tai nạn đường thủy mà không có phao cứu sinh, anh Lềnh bảo: Không sao đâu!

Khi quan sát bến thuyền trên hồ thủy điện Bắc Hà trong ngày xã Cốc Ly có chợ phiên, chúng tôi thấy hàng chục chiếc thuyền neo đậu chờ chở khách. Đi thuyền không chỉ có người già, thanh niên mà cả trẻ nhỏ được người lớn cho đi cùng. Trên hồ thủy điện Bắc Hà hiện có rất nhiều thuyền hoạt động, chủ yếu là chở khách và hàng hóa phục vụ dân sinh, nhưng từ nhiều năm nay chưa có một bến thuyền nào được đầu tư, xây dựng đúng tiêu chuẩn theo quy định; các bến đều do người dân tự phát chọn vị trí thuận tiện để neo đậu thuyền.

Theo thống kê của xã Cốc Ly, chỉ tính riêng trên địa bàn xã đã có 36 chiếc thuyền, chưa kể thuyền từ các xã của huyện Si Ma Cai, huyện Mường Khương xuống hoặc từ huyện Bảo Thắng vào phục vụ vận chuyển hành khách. Ông Vàng Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Cốc Ly cho biết: Chính quyền cũng chỉ biết tuyên truyền người dân tham gia giao thông đường thủy chấp hành các điều kiện theo quy định như có giấy phép hoạt động, đầu tư phao cứu sinh để đảm bảo an toàn… Tuy nhiên, xã chưa thể thường xuyên kiểm tra, quản lý được lượng thuyền hoạt động trên hồ, cần phải có lực lượng chuyên như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông…

Anh Trần Văn Kiên, lái thuyền của Hợp tác xã Bảo Nhai (Bắc Hà) chuyên phục vụ khách du lịch đi thuyền tuyến Bảo Nhai – Cốc Ly và trên hồ thủy điện cho biết: Hợp tác xã có khoảng 10 thuyền thường xuyên hoạt động phục vụ khách. Mặc dù đã được tập huấn, cấp chứng chỉ lái thuyền, chứng nhận hành nghề nhưng chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng quan tâm, tuyên truyền về Luật Giao thông đường thủy, đầu tư, lắp đặt phao tiêu, biển báo hiệu trên các tuyến đường thủy trong tỉnh. Hiện nay, vào mùa khô, nước cạn, lái thuyền phải tự xác định đường đi nên rất khó khăn. Năm 2017, tại khu vực hang Tiên (Cốc Ly), một thuyền của hợp tác xã khi chở khách đã bị mắc cạn, lái thuyền phải rất vất vả mới đưa được thuyền ra an toàn.

Hồ thủy điện Bắc Hà, các bến thuyền đều do người dân tự phát chọn vị trí thuận tiện để neo đậu thuyền.

Hoạt động vận tải đường thủy nội địa ở Lào Cai không chỉ diễn ra trên hồ thủy điện Bắc Hà, sông Chảy mà cả trên sông Hồng với tần suất ngày càng lớn, trong đó chủ yếu là vận chuyển vật liệu xây dựng như cát, sỏi…

Ông Đặng Xuân Hoan, Phó Trưởng Phòng Quản lý giao thông (Sở Giao thông vận tải – Xây dựng) cho biết: Giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn do hệ thống sông qua địa bàn khá nhỏ, dốc và nhiều đá ngầm; hệ thống bến bãi chủ yếu tự phát sinh, không đảm bảo an toàn. Theo dự báo của ngành giao thông, nhu cầu vận tải trên sông Hồng đang ngày càng lớn. Trong đó, sông Hồng nằm ven vùng mỏ apatit lớn nhất Việt Nam có nhu cầu vận chuyển 0,8 – 1,2 triệu tấn/năm; các mặt hàng khác như bột đá trắng xuất khẩu tại Văn Phú (Yên Bái) có nhu cầu vận chuyển 0,6 – 0,8 triệu tấn/năm; thạch cao, quặng sắt, quặng đồng vận chuyển 1 – 2 triệu tấn/năm. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu vận tải đường thủy qua sông Hồng có thể tăng lên 9 triệu tấn/năm.

Trước xu hướng phát triển của giao thông đường thủy và hoạt động đường thủy, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tuy nhiên, việc quản lý vẫn còn nhiều bất cập. Ông Trần Ngọc Sơn, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Hiện các phương tiện tham gia đường thủy đã được quản lý, nhưng hoạt động vận tải đường thủy trên địa bàn chưa thể thực hiện được do thiếu bộ phận chuyên trách. Trong thời gian tới, tỉnh cần xây dựng các công trình giao thông đường thủy nội địa để các cơ quan chuyên môn có thể quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, phòng ngừa tai nạn. Trên hồ thủy điện cần quy hoạch cụ thể hoạt động nuôi cá lồng tránh ảnh hưởng tới giao thông, giao thương. Hệ thống đường thủy cần được xây dựng các hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu, bến thủy nội địa trên sông, hồ để đảm bảo an toàn…

Sông Chảy với khá đông khách du lịch đi bằng thuyền, nhưng tuyến đường thủy chưa được đầu tư phao tiêu, biển báo, bến đỗ.

Hy vọng trong thời gian tới, việc quản lý, khai thác và đảm bảo an toàn giao thông đường thủy sẽ khắc phục được những khó khăn, vướng mắc để phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo baolaocai.vn

Tags

XEM THÊM

Close